Sản lượng thép Trung Quốc giảm hơn 10% trong quý I vì COVID-19
Theo Global Times, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết sản lượng thép của nước này giảm trong quý đầu tiên trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng và cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang.
Tuy nhiên, ngành thép có thể cải thiện trong thời gian tới khi chính phủ nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng được thông suốt và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong quý đầu tiên, sản lượng sắt đạt 201 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời sản lượng thép giảm 10,5% xuống 243 triệu tấn, CISA cho biết.
Tiêu thụ thép của các ngành công nghiệp chính đã giảm 5%, trong đó ngành xây dựng giảm 7% và ngành sản xuất giảm 2%, theo CISA.
Nhập khẩu quặng sắt giảm 5,2% xuống 268 triệu tấn. Điều này phản ánh nhu cầu thị trường giảm trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt sau khi việc kiểm soát dịch bệnh được thắt chặt ở Đường Sơn, một trong những trung tâm sản xuất và thương mại thép lớn ở Trung Quốc, chiếm 20-30% tổng sản lượng quốc gia.
Theo số liệu của CISA, tính đến cuối tháng 3, giá quặng sắt nhập khẩu đạt 158,39 USD/tấn, tăng 33,2% so với đầu năm. Giá cao đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy thép giảm trung bình 25,8%.
Bất chấp những bất ổn, một số chuyên gia cho rằng ngành thép sẽ phục hồi mạnh do chính phủ đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và nối lại chuỗi cung ứng.
Với việc chính phủ tăng cường đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt, các rào cản về logistics đang dần được giải quyết.
Để đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường ổn định, các doanh nghiệp đang mở rộng nguồn nhập khẩu quặng sắt.
Bên cạnh đó, các nhà máy cũng tận dụng thêm nguồn thép thép phế liệu để làm nguồn nguyên liệu đầu vào đồng thời hỗ trợ chính phủ thực hiện các mục tiêu giảm carbon.
Động lực lớn nhất nằm ở việc gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng khoảng 8,5%, theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Các chuyên gia trong ngành nhận định có thể nhận thấy dễ dàng sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng của chính phủ và sức tăng trưởng này có thể tiếp tục được duy trì.
“Việc tiêu thụ thép trong xây dựng chiếm tới 30% tổng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đang có xu hướng gia tăng, điều đó chắc chắn tạo ra động lực cho thị trường thép hiện nay,” ông Qu Xiuli, Phó giám đốc CISA nhận định.
Ông Shi Hongwei, Phó tổng thư ký CISA, lạc quan cho rằng: “Đánh giá từ cơ cấu kinh tế công nghiệp quốc gia và tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản lượng và tiêu thụ thép năm nay về cơ bản giống như năm ngoái.”
Xuất khẩu thép xây dựng tăng gần gấp đôi trong tháng 3
Bán hàng thép xây dựng trong tháng 3 đạt hơn 1,44 triệu tấn, tăng 22% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu thép đạt gần 313 nghìn tấn, tăng mạnh 76% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung trong quý I, xuất khẩu thép đạt hơn 700 nghìn tấn, tăng 55% so với cùng kỳ 2021.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 3, tình hình sản xuất thép xây dựng đạt kết quả tốt so với tháng trước và cùng kỳ 2021. Theo đó, sản lượng thép xây dựng trong tháng 3 đạt gần 1,4 triệu tấn, tăng 31% so với tháng 2 và tăng 15,3% so với cùng kỳ 2021.
Bán hàng đạt hơn 1,44 triệu tấn, tăng 22% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu thép trong tháng 3 đạt gần 313 nghìn tấn, tăng mạnh 76% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung trong quý I, xuất khẩu thép đạt hơn 700 nghìn tấn, tăng 55% so với cùng kỳ 2021.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra hồi đầu tháng 4, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí.
VSA cho rằng triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 xuyên suốt.
Ba trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.
Trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành thép vừa công bố, Chứng khoán BSC cho rằng, trong năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép nội địa sẽ tăng trưởng tốt dựa trên tăng giải ngân đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, và hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ hồi phục kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng, trong đó 113.850 tỷ đồng được phân bổ cho phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành, các cảng logistics lớn…, kéo theo nhu cầu tiêu thụ sắt thép gia tăng.
Hoạt động xây dựng trong năm 2021 bị đình trệ trong 9 tháng đầu năm để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh. Năm 2022, nguồn cung căn hộ sẽ tăng gấp đôi, và nguồn cung nhà liền thổ tăng 20%-30% so với năm 2021 (theo dự báo của CBRE Việt Nam) là những yếu tố thúc đẩy tiêu thụ thép trong nước.
Đối với hoạt động xuất khẩu, xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang được đánh giá là tạo thuận lợi cho ngành thép.
Theo đó, xung đột giữa Ukranie và Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép.
Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với 2 nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%).
Tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 2 và 4 vào khu vực này trong 11 tháng đầu năm 2021 với khoảng 21% tổng sản lượng, theo Eurofer.
Do đó, VBCS nhận định khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo tháng từ ngày 24/2, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (bao gồm Metinvest và ArcelorMittal) đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận.
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới.
Ngành thép nhập siêu 800 triệu USD trong quý I
Theo VSA, trong quý I, xuất khẩu thép đạt 2,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3,1 USD. Như vậy, ngành thép nhập siêu 800 triệu USD trong quý I.
Xuất khẩu thép tăng mạnh nhưng chưa đuổi kịp nhập khẩu
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 3, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 956 nghìn tấn, tăng 75% so với tháng trước nhưng giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu thép tháng 3 cũng đạt 909 triệu USD, tăng 72% so với tháng 2 và không biến động nhiều so với cùng kỳ.
Tính chung quý I, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng gần 2,3 triệu tấn thép, tương đương 2,3 tỷ USD, giảm 22% về lượng nhưng tăng 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam bao gồm khu vực ASEAN (40,5%), Khu vực EU (19%), Hoa Kỳ (8%), Hàn Quốc (7%) và Hồng Kông (4%)…
(Nguồn: VSA)
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thép cũng tăng khá mạnh cả về lượng và giá trị. Cụ thể trong tháng 3, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,1 tỷ USD tăng 23% về lượng và tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý I, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giảm 18% về lượng nhưng tăng 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm Trung Quốc (32,5%), Nhật Bản (16%), Ấn Độ (13%), Hàn Quốc (11%) và Đài Loan (10%)…
Như vậy, trong quý I, ngành thép của Việt Nam nhập siêu 800 triệu USD.
(Nguồn: VSA)
Dự báo xuất khẩu thép năm 2022 tăng 15%
Trong quý I, xuất khẩu thép tăng trưởng mạnh song vẫn nhập siêu 800 triệu USD. Song nhìn chung, xuất khẩu thép năm 2022 sẽ có nhiều cơ hội và triển vọng tươi sáng.
Trong báo cáo ngành thép, CTCK Mirae Asset dự báo sản lượng xuất khẩu thép dự kiến đạt mức 8,7 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2021.
Sở dĩ, Mirae Asset đưa ra dự báo này bởi thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục rộng mở trong năm 2022 dưới tác động từ chiến tranh giữa Nga – Ukraine.
Hiện nay, Nga xếp thứ hai về xuất khẩu thép vào EU, với tỷ trọng 14% thép dẹt và 19% thép dài; Ukraine chiếm 8% thép dẹt và 7% thép dài, còn Belarus chiếm 14% thép dài.
Việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng sẽ giúp các công ty thép Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xuất khẩu, đặc biệt từ thị trường châu Âu và Mỹ.
Mirae Asset nhận định những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôn mạ được hưởng lợi bởi mảng tôn mạ hiện tại đang dư khoảng 30% tổng công suất nhưng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thép cán nguội (CRC) và tôn mạ màu rất lớn khi nguồn cung từ Trung Quốc và Nga giảm mạnh.
Trong đó, ba ông lớn ngành tôn mạ phải kể đến Tôn Nam Kim (Mã: NKG), Tôn Hoa Sen (Mã: HSG) và Tôn Đông Á (Mã: TDA).
Xuất khẩu thép Trung Quốc giảm mạnh trong quý I
Theo Reuters, số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu sản phẩm thép của nước này đạt 4,95 triệu tấn trong tháng 3, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số thương nhân Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu sang châu Âu để lấp đầy khoảng trống thị trường do chiến tranh Ukraine gây ra, nhưng các nhà phân tích cho rằng kết quả của động thái sẽ được phản ánh trong dữ liệu tháng 4.
Xuất khẩu thép trong ba tháng đầu năm đã giảm 25,5% xuống còn 131,8 triệu tấn.
Nhiều nhà máy thép Trung Quốc phải cắt sản lượng vì đợt dịch COVID-19 mới. Thành phố Đường Sơn bắt đầu lệnh phong toả tạm thời từ hôm 22/3 nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19. Lãnh đạo một công ty thép cho biết các lệnh hạn chế mới đã cản trở các nhà máy thép bổ sung dự trữ nguyên liệu thô.
Sản lượng thép thô tại Đường Sơn đạt khoảng 131,1 triệu tấn vào năm ngoái, chiếm khoảng 13% tổng sản lượng của Trung Quốc và vượt nhà máy sản xuất thép lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ ( với sản lượng 118 triệu tấn).
Đại diện công ty thép Hebei Tianzhu Iron & Steel cho biết với sản lượng khoảng 200.000 tấn thép vằn mỗi tháng lượng tồn kho nguyên liệu thô của công ty chỉ đủ sản xuất trong 3 ngày nữa. Điều này dẫn đến công ty buộc phải giảm sản lượng.
Công ty hiện dự trữ khoảng 40.000 tấn sản phẩm thép trong các kho của mình, tương ứng khoảng 50% công suất của kho.
Một nhà sản xuất địa phương khác, Tangshan Reafon Steel cho biết họ cũng dự kiến sẽ sớm cắt giảm sản lượng do những hạn chế về giao thông trong khi “rất khó phối hợp với chính phủ để giải quyết”.
Theo công ty tư vấn Mysteel, sản lượng thép tại Đường Sơn đã giảm 36.100 tấn/ngày trong tuần qua, còn 229.000 tấn/ngày do ảnh hưởng bởi lệnh phong toả.
Nhập khẩu thép trong tháng trước đã giảm 23,5% xuống hơn 1 triệu tấn so với năm trước, với tổng lượng nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 3 là 3,22 triệu tấn, hải quan cho biết.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc giảm 14,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái do các lô từ Brazil bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài, trong khi căng thẳng tại Ukraine dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại trong tương lai.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, nước tiêu thụ quặng sắt hàng đầu thế giới đã nhập khẩu 87,3 triệu tấn vào tháng trước, giảm so với 102,1 triệu vào tháng 3/2021.
Sự sụt giảm này do hoạt động khai thác và vận chuyển tại Brazil bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài. Công ty khai thác mỏ Brazil Vale SA đã tạm dừng các hoạt động khai thác quặng sắt ở mỏ Carajas vào đầu tháng 3 vì mưa lớn.
Dữ liệu theo dõi các chuyến tàu của Refinitiv cho thấy lượng quặng lượng quặng sắt của Australia xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 3 hầu như không thay đổi so với cùng kỳ năm trước, trong khi quặng sắt từ Brazil giảm 28,6%.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng xung đột Ukraine-Nga sẽ gây áp lực lên nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong những tháng tới.
Wang Yingwu, nhà phân tích của Huatai Futures tại Bắc Kinh cho biết: “Khoảng 40% lượng quặng sắt từ Nga và Ukraine xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị gián đoạn. Đồng thời, một số lô hàng từ Australia và Brazil có thể chuyển hướng sang các khách hàng khác trong tháng tới”.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 268,36 triệu tấn quặng sắt, giảm 5,2% so với 283 triệu trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 một năm trước.